Đáp án đề thi chọn đội tuyển HSG THPT dự thi cấp quốc gia năm 2019-20120 môn Lịch sử tp Cần Thơ

5/5 - (1 vote)

Trong bài viết này xin giới thiệu đáp án đề thi chọn đội tuyển HSG THPT dự thi cấp quốc gia năm 2019-20120 môn Lịch sử tp Cần Thơ. Đề thi chọn đội tuyển HSG THPT dự thi cấp quốc gia năm 2019-20120 môn Lịch sử tp Cần Thơ giúp các em ôn luyện và thi HSG môn Lịch sử đạt kết quả cao,đồng thời đề thi cũng là tài liệu tốt giúp các thầy cô tham khảo trong quá trình dạy HSG. Hãy tải ngay đề và đáp án đề thi HSG môn Lịch sử. Đề thi HSG nơi luôn cập nhật các kiến thức mới nhất. Chúc các bạn thành công!!

Câu 1. (3 điểm)
Qua các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa chống ngoại xâm trong các thế kỉ X-XVIII, hãy rút ra những đặc điểm cơ bản trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta trong giai đoạn này. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng truyền thống đó như thế nào?
a) Nêu các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa chống ngoại xâm trong các thế kỉ X-XVIII
– Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống dưới thời Tiền Lê (981);
– Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống dưới thời Lý (1075-1077);
– Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên dưới thời Trần (1258, 1285, 1287-1288);
– Cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn chống ách đô hộ của Nhà Minh do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo (1418-1427);
– Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ (1785);
– Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Thanh dưới sự lãnh đạo của Quang Trung (1789).
b) Những đặc điểm cơ bản trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc trong giai đoạn này
– Dựng nước gắn liền với giữ nước;
– Đánh giặc giữ nước với lực lượng toàn dân tộc, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, không sợ bất kì kẻ thù xâm lược, không sợ hy sinh gian khổ;
– Kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao;
– Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chiến lược và sách lược đánh giặc.
c) Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng vào cuộc kháng Pháp (1945-1954)
– Gắn liền giữa khai sinh với xây dựng, củng cố chế độ dân chủ cộng hòa;
+ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”;
+ Đường lối kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp là: toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh (và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế); tiến hành chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp;
+ Kết hợp với đấu tranh chính trị, kinh tế, binh vận với đấu tranh quân sự từ thế phòng ngự sang thế chủ động chiến trường chính, đến giành thế chủ động trên tất cả chiến trường, giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương;
Câu 2. (3 điểm)
Khái quát bối cảnh xuất hiện khuynh hướng cứu nước mới ở Việt Nam đầu thế kỉ XX. Sự khác biệt của hai xu hướng trong khuynh hướng cứu nước trên có làm suy yếu phong trào yêu nước ở nước ta đầu thế kỉ XX không? Tại sao?
a) Khái quát bối cảnh
– Phong trào yêu nước theo khuynh hướng phong kiến không đáp ứng yêu cầu của lịch sử đặt ra;
– Dưới tác động của Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, nền kinh tế và xã hội hội có nhiều chuyển biến, chuẩn bị những nhân tố cho tiếp nhận khuynh hướng cứu nước mới;
– Khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản du nhập vào Việt Nam.
b) Phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỉ XX diễn ra với hau xu hướng chính: xu hướng bạo động có đại diện là Phan Bội Châu và xu hướng cải cách có đại diện là Phan Châu Trinh.
Sự khác biệt của hai xu hướng trong khuynh hướng cứu nước trên không làm suy yếu phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỉ XX. Vì:
Trước hết, cả hai xu hướng làm cho việc xác định kẻ thù đúng đắn và đầy đủ hơn. Phong trào yêu nước ở Việt Nam tập trung vào hai kẻ thù là đế quốc và phong kiến tay sai.
Thứ hai, hai xu hướng làm cho việc xác định đúng đắn và rõ ràng hơn về mục tiêu. Ptr yêu nước Việt Nam không chỉ đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập, mà còn đánh đổ chế độ phong kiến, phát triển xã hội.
Thứ ba, nhờ kết hợp hai xu hướng mà lực lượng tham gia vào phong trào yêu nước đông đảo hơn với nhiều giai cấp, tầng lớp. Nếu chỉ một xu hướng (hoặc bạo động, hoặc cải cách) thì chỉ tập hợp, lôi kéo được một bộ phận quần chúng nhân dân: xu hướng bạo động chỉ lôi kéo được tầng lớp bên trên, xu hướng cải cách đi sâu vào nông dân, nhất là nông dân nghèo.
Thứ tư, nhờ kết hợp hai xu hướng mà hình thức đấu tranh của nhân dân Việt Nam đầu thế kỉ XX phong phú hơn với nhiều hình thức đấu tranh mới. Nếu xu hướng bạo động lấy đấu tranh bạo lực, khởi nghĩa vũ trang, cầu viện, cử người đi du học,… thì xu hướng cải cách là phát triển xã hội, mở cửa, xây dựng nếp sống mới, mở mang dân trí…
Câu 3. (4 điểm)
Vì sao trong hành trình cứu nước (1911-1920), Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản? Con đường đó có gì khác so với con đường cứu nước của các bậc tiền bối Cm cuối thế kỉ XIX đầu XX?
Trả lời:
a) Trong hành trình cứu nước (1911-1920), Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam theo khuynh hướng vô sản. Vì:
– Tác động của bối cảnh thời đại mới:
+ Cuối thế kỉ XX – đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển hẳn sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Mâu thuẫn trong lòng nó phát triển gay gắt.
+ Cách mạng tháng Mười Nga 1917thành công, mở ra trước mắt các dân tộc bị áp bức thời đại “cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”.
+ Chủ nghĩa Mác – Lê-nin trở thành hiện thực và được truyền bá rộng rãi khắp nơi dẫn tới sự ra đời của các đảng cộng sản ở nhiều nước trên thế giới.
+ Quốc tế Cộng sản được thành lập (2-3-1919).
– Yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc:
+ Thực dân Pháp xâm lược và thống trị Việt Nam. Đất nước mất độc lập, nhân dân ta mất tự do. Độc lập, tự do là khát khao cháy bỏng của mọi người Việt Nam yêu nước.
+ Phong trào yêu nước ở Việt Nam bị khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo.
– Trí tuệ và nhãn quan chính trị của Nguyễn Ái Quốc:
+ Nguyễn Ái Quốc tậm mắt chứng kiến các phong trào yêu nước của ông cha và hạn chế trong các phong trào đó.
+ Kết hợp nghiên cứu lí luận và khảo sát thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước tư bản và thuộc địa, rút ra những nhận xét sắc bén và phát hiện thấy Luận cương của Lênin một phương hướng cứu nước mới và khẳng định con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản.
b) So với con đường cứu nước của các bậc tiền bối cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, con đường cứu nước theo khuynh hướng vô sản có một số điểm khác:
– Con đường giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới là: Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
– Xác định đúng đắn vai trò, vị trí của công nhân cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột.

Câu 4. (5 điểm)
Nếu là người có quyền quyết định, em có chấp nhận kí bản Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3-1946 với đại diện chính phủ Pháp hay không? Vì sao? Hạn chế và tích cực của Hiệp định Sơ bộ là gì?
Trả lời:
a) Nếu là người có quyền quyết định, Em chấp nhận kí với đại diện chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ bộ. Vì:
Một là, sự cấu kết của đế quốc gây ảnh hưởng đến thành quả cách mạng và nền độc lập của nước Việt Nam mới
Hai là, thực dân Pháp có nhu cầu hòa hoãn
b) Điểm tích cực và hạn chế của Hiệp định Sơ bộ
– Tích cực
+ Pháp công nhận Việt Nam là một nước tự do, có Chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng.
+ Ngừng xung đột ở miền Nam, tạo điều kiện cho cuộc đàm phán chính thức.
+ Ta tránh được việc phải cùng lúc đương đầu với nhiều kẻ thù, đẩy được 20 vạn quân Tưởng và tay sai ra khỏi bờ cõi.
+ Ta có thêm thời gian để củng cố, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.
– Hạn chế
+ Pháp không công nhận Việt Nam là một nước độc lập, vẫn nằm trong khối Liên hiệp Pháp.
+ Pháp đưa quân ra Bắc để giải giáp quân Nhật, chúng tăng cường khiêu khích, chống phá ta, quan hệ Việt – Pháp căng thẳng, có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Ta phải kí Tạm ước 14-9-1946, tiếp tục nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa.

Câu 5. (5 điểm)
a) Lí giải vì sao từ khi thành lập đến năm 1990, ASEAN coi trọng hợp tác an ninh-chính trị nhưng từ những năm 90 trở đi lại đẩy mạnh hợp tác kinh tế song song với hợp tác an ninh-chính trị?
b) Nêu những biểu hiện về sự hợp tác kinh tế song song với hợp tác an ninh-chính trị hiện nay của ASEAN. Theo em, Việt Nam có những đóng góp gì trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác của tổ chức này?
Trả lời:

a) Từ khi thành lập đến năm 1990, ASEAN coi trọng hợp tác an ninh-chính trị nhưng từ những năm 90 trở đi lại đẩy mạnh hợp tác kinh tế song song với hợp tác an ninh-chính trị. Vì, từ những năm 90 của thế kỷ XX:
– Kinh tế trong thành nội dung căn bản trong quan hệ quốc tế:
+ Sau Chiến tranh lạnh, hầu như tất cả các quốc gia điều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm.
+ Xây dựng tổng hợp của mỗi quốc gia thay thế cho chạy đua vũ trang trở thành hình thức chủ yếu trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
+ Sức mạnh của mỗi quốc gia là dựa trên nền sản xuất phồn vinh, nền tài chính vững chắc, một nền công nghệ có trình độ cao cùng với lực lượng quốc phòng hùng mạnh.
– Xu thế toàn cầu hóa trong thời đại cách mạng khoa học – công nghệ:
+ Làm cho các nước ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung mang tính quốc tế hóa cao và mở ra khả năng hợp tác toàn cầu trên mọi lĩnh vực; tạo nên những thay đổi to lớn về kinh tế, xã hội làm tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia dân tộc.
+ Nảy sinh nhu cầu hội nhập của tất cả quốc gia dân tộc không phân biệt chế độ chính trị, không biệt nước lớn hay nước nhỏ, nước phát triển hay nước đang pháp triển, nước giàu hay nước nghèo.
– Tình hình chính trị ở Đông Nam Á cải thiện rõ rệt và xu hướng chung của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển:
+ Sau Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa các nước lớn được điều chỉnh theo chiều hướng đối thoại, thỏa hiệp, tránh xung đột trực tiếp nhằm tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi giúp họ vươn lên mạnh mẽ, xác lập một vị trí ưu thế trong trật tự thế giới mới. Mối quan hệ giữa các nước lớn ngày nay mang tính hai mặt nổi bật là: mâu thuẫn và hài hòa, cạnh tranh và hợp tác, tiếp xúc và kiềm chế,…
+ Sau Hiệp định Paris về Campuchia (10-1991), “Vấn đề Campuchia” được giải quyết, tình hình chính trị cải thiện rõ rệt. Đây là điều kiện hòa bình để ASEAN tiến hành mở rộng thành viên.
– Yêu cầu giải quyết những thách thức ở Đông Nam Á:
+Thách thức về sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các nước trong khu vực và sự tranh chấp về lãnh thổ, biên giới giữa một số quốc gia với nhau.
+Các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng cường can dự vào khu vực: Các nước lớn vì lợi ích của mình đã gây chia rẻ các nước ASEAN, giữa ASEAN với các nước khác trong khu vực bằng kinh tế, bằng áp lực.
b.1) Những biểu hiện về sự hợp tác kinh tế song song với hợp tác an ninh-chính trị hiện nay của ASEAN.
Chính nhu cầu gia tăng hợp tác nội khối và mở rộng hợp tác với bên ngoài về chính trị, an ninh đã dẫn tới ý tưởng về xây dựng một Cộng đồng An ninh ASEAN, được thể hiện chính thức tại Tuyên bố Hòa hợp Ba-li II của Hội nghị cấp cao ASEAN-9 (năm 2003). Hợp tác chính trị – an ninh tiếp tục được nâng lên tầm cao mới khi Hội nghị Cấp cao ASEAN-12 (năm 2007) quyết định xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN – một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN và đến Hội nghị Cấp cao ASEAN-27 (năm 2015), các nhà Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố lịch sử chính thức hình thành Cộng đồng, trong đó có Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN. Quá trình trên thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường đoàn kết, thống nhất, khả năng tự cường của Hiệp hội trong việc ứng phó với các nguy cơ, thách thức đối với khu vực, tạo nền tảng thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển.
[Nguồn từ: http://tapchiqptd.vn/…/hop-tac-ve-chinh-tri-an-ni…/8811.html]
b.2) Những đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác của ASEAN:
– Việt Nam đã đi đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong một số lĩnh vực, nhất là tăng cường về thể chế, cơ chế được thể hiện trong Hiến chương ASEAN; Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN; cải tiến nâng cao hiệu quả bộ máy hoạt động của các cơ quan ASEAN; xây dựng Tuyên bố Tầm nhìn ARF và hoàn tất Kế hoạch hành động Hà Nội 2010, v.v.
– Việt Nam đã chủ động thúc đẩy thành công một số vấn đề quan trọng giúp ASEAN bảo đảm vai trò trung tâm ở khu vực cũng như nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, nhất là quyết định mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á, với sự tham gia của cả Nga và Mỹ; đưa ra sáng kiến và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác lần đầu tiên tại Hà Nội.
– Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN, làm sâu sắc quan hệ hợp tác chính trị – an ninh ASEAN với các đối tác; trong đó, đã đảm nhiệm thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc (giai đoạn 2009 – 2012), ASEAN – EU (giai đoạn 2012 – 2015) và hiện tại là ASEAN – Ấn Độ.
– Lập trường và đóng góp tích cực của Việt Nam thời gian qua không chỉ thể hiện tốt trách nhiệm của nước thành viên, mà còn giúp ASEAN tăng cường đoàn kết, thống nhất, nâng cao vai trò và uy tín của Hiệp hội. Quan trọng hơn, phát huy vai trò của mình, Việt Nam đã khéo léo lồng ghép, thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn của ASEAN, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh ở vùng biển đầy nguy cơ bất ổn này.

You may also like...