Phương pháp làm dạng bài bàn về một vấn đề hoặc thông điệp gợi ra từ một câu chuyện

Rate this post

CHUYÊN ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI DÀNH CHO HỌC SINH GIỎI VĂN THPT

BÀI 1:  PHƯƠNG PHÁP LÀM DẠNG BÀI BÀN VỀ MỘT VẤN ĐỀ/THÔNG ĐIỆP GỢI RA TỪ MỘT CÂU CHUYỆN

1) Ví dụ:

NGỌN GIÓ VÀ CÂY SỒI

Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gãy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình. Riêng một cây sồi già vẫn đứng hiên ngang, không bị khuất phục trước ngọn gió hung hăng. Như bị thách thức, ngọn gió lồng lộn, điên cuồng lật tung khu rừng một lần nữa. Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng cơn giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã. Ngọn gió mệt mỏi, đành đầu hàng và hỏi:

– Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?

Cây sồi già từ tốn trả lời:

– Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gãy hết các nhánh cây của tôi, cuốn sạch đám lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi. Càng ngày chúng sẽ phát triển càng mạnh mẽ, giúp tôi vững vàng hơn trước mọi sức mạnh của kẻ thù. Nhưng tôi phải cảm ơn ông, ngọn gió ạ! […]

(Theo Hạt giống tâm hồn – Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ,

NXB Tổng hợp TP. HCM, 2011)

Suy nghĩ của anh/chị về bài học nhân sinh được gợi ra từ lời cảm ơn của cây sồi với ngọn gió trong văn bản trên.[1]

2) Cách làm

Bước 1: Xác định vấn đề nghị luận

Để tránh hiểu sai đề, lạc đề, bước đầu tiên, HS cần đọc yêu cầu đề để xác định vấn đề nghị luận. Như trong ví dụ phía trên, vấn đề đề bài yêu cầu bàn luận là: “bài học nhân sinh gợi ra từ lời cảm ơn của cây sồi với ngọn gió”.

Bước 2: Phân tích để hiểu đề

Để hiểu đề, HS cần phân tích đề dựa trên cơ sở mối liên hệ giữa yêu cầu đề và văn bản (câu chuyện). Trong ví dụ trên, đề yêu cầu trình bày suy nghĩ về “bài học nhân sinh gợi ra từ lời cảm ơn của cây sồi với ngọn gió”. Để hiểu đề, tức hiểu được “bài học nhân sinh gợi ra từ lời cảm ơn của cây sồi với ngọn gió” thì HS phải:

  • Giải thích nghĩa đen và nghĩa bóng của hình tượng ngọn gió và cây sồi.
  • Giải thích vì sao cây sồi phải cảm ơn ngọn gió.

để từ đó rút ra được bài học nhân sinh qua lời cảm ơn của cây sồi với ngọn gió. Có thể như sau:

– Ngọn gió hung bạo với sức mạnh “thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gãy các cành cây” tượng trưng cho những thử thách đầy khắc nghiệt trong cuộc sống. Cây sồi tượng trưng cho mỗi người.

– Vì sao cây sồi phải cảm ơn ngọn gió? Vì nhờ ngọn gió hung bạo mà cây sồi đã nhận ra được sức mạnh thật sự của mình. Giống như trong quá trình khám phá và phát triển bản thân, mỗi người cần phải trải qua những thử thách khắc nghiệt để nhận ra được sức mạnh thực sự của mình.

=> Rút ra bài học nhân sinh qua lời cảm ơn của cây sồi với ngọn gió: Chúng ta cần phải biết ơn những thử thách khắc nghiệt mà chúng ta đối diện trong cuộc sống, bởi chính nó đã giúp mỗi người khám phá ra sức mạnh thực sự của mình, để từ đó, tìm ra phương hướng tôi rèn, phát huy sức mạnh của bản thân.

Bước 3: Tìm lí lẽ và dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận

Bước tìm lí lẽ và dẫn chứng rất quan trọng, vì nó sẽ quyết định chất lượng bài văn.

Sau khi phân tích đề, HS tìm ý và dẫn chứng dựa trên cơ sở dữ liệu đã phân tích (bài học nhân sinh từ lời cảm ơn của cây sồi với ngọn gió) bằng cách phân tích và chứng minh vì sao: Chúng ta cần phải biết ơn những thử thách khắc nghiệt mà chúng ta đối diện trong cuộc sống, bởi nhờ nó mà mỗi người khám phá ra sức mạnh thực sự của mình, để từ đó, tìm ra phương hướng tôi rèn, phát huy sức mạnh của bản thân? Có thể theo hướng sau:

– Những thử thách khắc nghiệt mà chúng ta đối diện trong cuộc sống là môi trường lí tưởng để mỗi người khám phá ra sức mạnh thực sự của bản thân. Ví dụ như Frederick Douglass – một nhà cải cách xã hội người Mỹ gốc Phi, sống trong thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ – thời kì phân biệt chủng tộc. Bản thân ông là một nô lệ, bị đối xử phân biệt, bắt phải lao động từ nhỏ và không được phép học hành. Nhưng bằng lòng can đảm của mình, ông đã tự tìm cách học chữ, bất chấp bị chủ đánh đập dã man. Một thời gian sau (khoảng năm 1838), người nô lệ da đen hôm nào đã trở thành nhà lãnh đạo phong trào bãi nô và nổi tiếng với những cuốn tự truyện viết về cuộc đời và sự đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Cuốn sách đầu tiên ông viết là “Chuyện kể về cuộc đời của Frederick Douglass, một người nô lệ Mỹ” (Narrative of the Life of Frederick Douglass, An American Slave). Ngay khi lên kệ, cuốn sách lập tức trở thành “lý luận” kinh điển cho phong trào bãi nô và trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất thời bấy giờ. Từ một nô lệ thấp hèn trở thành một nhà cải cách, nhà hùng biện và lãnh đạo phong trào bãi nô danh tiếng, Frederick Douglass chính là minh chứng hùng hồn cho trí tuệ của người da đen, cho một tấm gương thành công và tỏa sáng trong hoàn cảnh thử thách khắc nghiệt.

– Tuy nhiên, để khám phá ra sức mạnh của bản thân từ trong những thử thách khắc nghiệt, đòi hỏi ở mỗi người phải có một thái độ tích cực, lòng can đảm và nghị lực sống. Bởi, nếu không có thái độ tích cực, lòng can đảm và nghị lực thì chúng ta sẽ không dám dấn thân, không dám thử thách mình trước những thử thách khắc nghiệt. Và hệ quả là, chúng ta sẽ không bao giờ khám phá ra sức mạnh thực sự của bản thân.

– Từ nhận thức về vai trò của bài học nhân sinh rút ra từ lời cảm ơn của cây sồi với ngọn gió, mỗi người cần có lòng dũng cảm, nghị lực sống và thái độ sẵn sàng, mạnh dạn dấn thân vào các thử thách khắc nghiệt khác nhau trong cuộc sống để khám phá ra sức mạnh của chính mình.

Bước 4: Viết thành một bài văn hoàn chỉnh

HS có thể trình bày theo bố cục sau:

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (trực tiếp hoặc gián tiếp)

* Thân bài:

– Giải thích nghĩa đen và nghĩa bóng (nếu có) (xem Bước 2: Phân tích để hiểu đề).

– Đưa ra các lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề (xem ý thứ nhất ở Bước 3: Tìm lí lẽ và dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận)

– Mở rộng (hoặc phản đề) (xem ý thứ hai ở Bước 3: Tìm lí lẽ và dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận)

* Kết bài: Rút ra bài học nhận thức và hành động (xem ý cuối cùng ở Bước 3: Tìm lí lẽ và dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận)

You may also like...