Đáp án đề thi chọn đội tuyển dự thi HSG năm 2020 môn Lịch sử tỉnh Cao Bằng
Trong bài viết này xin giới thiệu đáp án đề thi chọn đội tuyển dự thi HSG năm 2020 môn Lịch sử tỉnh Cao Bằng. Đề thi chọn đội tuyển dự thi HSG năm 2020 môn Lịch sử tỉnh Cao Bằng giúp các em ôn luyện và thi HSG môn Lịch sử đạt kết quả cao,đồng thời đề thi cũng là tài liệu tốt giúp các thầy cô tham khảo trong quá trình dạy HSG. Hãy tải ngay đề và đáp án đề thi HSG môn Lịch sử. Đề thi HSG nơi luôn cập nhật các kiến thức mới nhất. Chúc các bạn thành công!
Câu 1. (5,0 điểm)
“Hào khí Đông A” là gì? Nguyên nhân nào đưa đến thắng lợi của quân dân Đại Việt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở thế kỉ XVIII? Từ những nguyên nhân thắng lợi đó, anh (chị) hãy rút ra bài học cần phát hay trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
a) Hào khí Đông A hay“Hào khí thời Trần” – tức khí thế chống giặc ngoại xâm của quân dân nhà Trần, vì chữ “Trần” có thể đọc theo lối triết tự là “Đông A”.
b) Trong thế kỉ XVIII, quân dân Đại Việt đã tiến hành hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược: Kháng chiến chống Xiêm (1785), kháng chiến chống Thanh (1789). Nguyên nhân dẫn tới sự thắng lợi của hai cuộc kahsng chiến này là:
– Nhân dân Đại Việt có truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết với ý chí đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân Đại Việt;
– Nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Quang Trung và Bộ Chỉ huy Nghĩa quân Tây Sơn.
c) Bài học cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay:
Trên cơ sở nguyên nhân thắng lợi, anh/chị đưa ra bài học phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay phải hợp logic và trình bày khoa học.
Tham khảo: Hai bài học chính có thể đưa ra là
Một là, nắm vững vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối cách mạng Việt Nam, cầm quyền đối với hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam;
Hai là, xây dựng khối đại kết toàn dân tộc thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã hội khác; phát huy vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” (Đại hội VI), phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” (Đại hội X);
Câu 2. (4,0 điểm)
Tại sao năm 1921, nước Nga Xô viết thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP)? Nội dung cơ bản của chính sách này là gì? Rút ra kinh nghiệm của NEP đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
a) Năm 1921, nước Nga Xô viết thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP), vì:
– Yêu cầu khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ chế độ mới:
+ Sau khi giành thắng lợi trước sự xâm lược của quân đội 14 nước đế quốc và nội phản, năm 1921, Nga bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng chế độ mới. Tuy nhiên, nước Nga bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
+ Sau chiến tranh, bọn phản cách mạng tăng cường chống phá, kích động sự bất mãn trong nhân dân, gây bạo loạn ở nhiều nơi.
– Yêu cầu giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế và xã hội:
+ Sau cuộc nội chiến, nền kinh tế quốc dân bị tàn phá nặng nề: Năm 1920, sản luợng công nghiệp chỉ còn 1/7 mức trước chiến tranh; phần lớn các nhà máy, xí nghiệp ngừng hoạt động, công nhân thất nghiệp ngày càng nhiều; sản lượng nông nghiệp còn khoảng 1/2, hàng hóa hết sức thiếu thốn…
+ Tình hình xã hội rối ren, không ổn định. Chính sách cộng sản thời chiến trở nên không phù hợp, ngăn cản và kiềm hãm sự phát triển kinh tế: nông dân bất mãn với chế độ trưng thu lương thực, không hào hứng sản xuất; công nhân không có việc làm, ngày càng mệt mỏi do đời sống thiếu thốn…
– Tháng 3-1921, Đảng Cộng sản quyết định chuyển từ Chính sách cộng sản thời chiến sang Chính sách kinh tế mới (NEP) do Lênin vạch ra.
b) Nội dung cơ bản của chính sách kinh tế mới:
– Nông nghiệp: Thay thế chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thu thuế lương thực. Thế lương thực nộp bằng hiện vật.
– Công nghiệp: Nhà nước tập trung khôi phục các ngành công nghiệp nặng, cho phép tư nhân thuê, xây dựng những xí nghiệp loại nhỏ, hoặc trả lại cho tư nhân xí nghiệp nhỏ hơn 20 công nhân, khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư vào Nga. Nhà nước nắm các ngành kinh tế chủ chốt.
– Thương nghiệp và tiền tệ: tư nhân tự do buôn bán, trao đổi, nhà nước mở lại các chợ, tiến hành cải cách tiền tệ, phát hành đồng rút mới năm 1924.
– Thực chất là chuyển từ nền kinh tế nhà nước nắm độc quyền các mặt, dựa trên cưỡng bức lao động, trưng thu, bao cấp trong thời chiến sang nền kinh tế hàng hóa có sự điều tiết của nhà nước, công nhận sự tồn tại, phát triển của nhiều thành phần kinh tế khác nhau, sử dụng vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm của tư bản nước ngoài và trong nước để thúc đẩy kinh tế phát triển.
c) Bài học kinh nghiệm của NEP đối với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam:
Từ năm 1986, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, thực chất của đường lối đổi mới là chuyển từ nền kinh tế do nhà nước bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của Nhà nước:
– Tập trung sức phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa;
– Thừa nhận sự tồn tại khách quan các thành phần kinh tế với sự đan xen các loại hình sở hữu, quan tâm đến lợi ích thiết thân của người lao động, đồng thời đổi mới kết hợp với mở cửa.
Câu 3. (4,0 điểm)
Vào giữa thế kỷ XIX, trước sự xâm lược từ bên ngoài và cuộc khủng hoảng trong nước, Việt Nam đứng trước những sự lựa chọn nào? Theo anh/chị, điều kiện thành công của một cuộc cải cách là gì?
a) Vào giữa thế kỷ XIX, Việt Nam đứng trước sự xâm lược từ bên ngoài và cuộc khủng hoảng trong nước
– Đứng trước sự xâm lược từ bên ngoài:
+ Sau những cuộc cách mạng tư sản và cách mạng công nghiệp, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ. Các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh xâm lược thuộc địa, tìm kiếm thị trường. Mục tiêu mà các nước tư bản phương Tây hướng tới là các nước ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, những nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, đông dân, chế độ phong kiến đang giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.
+ Đến giữa thế kỉ XIX, một loạt nước Châu Á, trong đó có Đông Nam Á bị biến thành thuộc địa. Nước Việt Nam cũng không tránh khỏi bị dòm ngó.
+ Trong cuộc chạy đua giữa các nước tư bản phương Tây, cuối cùng tư bản Pháp đã “bám sâu” được vào Việt Nam, thông qua Hội truyền giáo nước ngoài của Pháp. Từ sau khi thất bại ở Canađa, Ấn Độ, thực dân Pháp càng muốn có thuộc địa ở Việt Nam.
– Sự khủng hoảng kinh tế – xã hội trong nước:
+ Vào giữa thế kỷ XIX, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, chế độ phong kiến Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
+ Kinh tế công – nông – thương nghiệp đều sa sút, tài chính khó khăn. Đường lối đối ngoaị thiển cận “bế quan toả cảng”, cấm đạo và bài xích đạo Thiên chúa. Đời sống nhân dân ngày càng cực khổ, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra. Khả năng phòng thủ đất nước bị giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chống lại sự xâm lược của các nước tư bản phương Tây.
Như vậy, do bối cảnh chung của các nước Châu Á ở thế kỷ XIX và sự khủng hoảng của Việt Nam dưới triều Nguyễn làm cho khả năng phòng vệ của đất nước bị giảm sút. Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Pháp xâm lược.
b) Sự lựa chọn của Triều Tự Đức trước vận mệnh đất nước:
Trước nguy cơ xâm lược và hành động xâm lược của thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đứng trước hai sự lựa chọn:
-Một là, tiến hành cải cách, duy tân đất nước: Trên thực tế, Nhật Bản và Xiêm đã thành công trong việc giữ vững độc lập khi đi theo con đường này. Cuộc cải cách Minh Trị ở Nhật đã xoá bỏ chế độ phong kiến, đưa đất nước phát triển theo tư bản chủ nghĩa, thoát khỏi nguy cơ bị xâm lược từ bên ngoài.
– Hai là, duy trì chính sách bảo thủ, chính sách “đóng cửa”: Trên thực tế, nhà Nguyễn đã thất bại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến của Pháp.
c) Điều kiện để một cuộc cải cách thành công:
– Cuộc cải cách phải có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ trung ương xuống địa phương. Người lãnh đạo phải có quyết tâm thu phục được nhân tâm, được nhân dân ủng hộ, lãnh đạo phải biết lắng nghe ý kiến nhân dân, tiếp thu rộng rãi ý kiến nhân dân. Phải biết phát huy trí tuệ toàn dân.
– Cải cách thành công phải trong điều kiện đất nước hòa bình, độc lập dân tộc, ổn định về chính trị và mọi mặt.
– Nội dung cải cách phải phù hợp với đất nước, phải đánh giá đúng sự thật của đất nước, thẳng thắn nhìn vào sự thật. Cải cách phải đáp ứng đúng yêu cầu đất nước đang đặt ra.
– Cuộc cải cách phải thận trọng, không nóng vội, phải có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, xã hội để cải cách thắng lợi.
Câu 4. (4,0 điểm)
Phân tích những nhân tố tác động đến việc sang phương Tây tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành? Anh (chị) có suy nghĩ gì về vai trò của cá nhân kiệt xuất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc?
a) Những nhân tố tác động đến việc sang phương Tây tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành:
Ngày 5/6/1911, trên chiếc tàu buôn Pháp mang tên Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước. Những nhân tố tác động đến quyết định đó là:
Nhân tố khách quan:
– Đất nước bị xâm lược, giải phóng dân tộc là yêu cầu cấp thiết
+ Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam không chỉ bị bóc lột về kinh tế, mà còn phải chịu nỗi nhục mất nước. Độc lập tự do là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.
+ Mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phản động tay sai. Nhiệm vụ cứu nước được đặt ra vô cùng cấp thiết.
– Sự khủng hoảng vềđường lốiđặt ra yêu cầu phải tìm con đường cứu nước mới
+ Cuối thế kỉ XIX, nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp bị đàn áp đẫm máu…, con đường giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ phong kiến đã bị thất bại.
+ Đầu thế kỉ XX, các sĩ phu yêu nước tiếp thu trào lưu tư tưởng mới, tiến hành cuộc vận động cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản…, nhưng cũng không thành công. Sự nghiệp giải phóng dân tộc lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối.
Nhân tố chủ quan: Nguyễn Tất Thành sớm có chí “đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”
+ Tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương, Nguyễn Tất Thành sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành con đường của họ, nên quyết định tìm con đường cứu nước mới.
+ Được tiếp xúc với văn minh Pháp, Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây để tìm hiểu xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào, giải phóng dân tộc.
b) Vai trò của cá nhân kiệt xuất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc:
– Cá nhân kiệt xuất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc là người có năng lực và phẩm chất tiêu biểu nhất trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự chủ; có trình độ nhận thức cao hơn mọi người, có tầm nhìn xa trông rộng, thấy được yêu cầu của lịch sử; có khả năng tập hợp quần chúng và được quần chúng tin yêu.
– Cá nhân kiệt xuất có thể vạch ra chủ trương, đường lối, biện pháp đúng đắn giải quyết nhiệm vụ giải phóng dân tộc; có thể có khả năng dự báo khoa học, chủ động giáo dục, thức tỉnh, tổ chức và tập hợp quần chúng giải quyết yêu cầu lịch sử…
Câu 5. (3,0 điểm)
Trình bày mục đích, nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc. Phát biểu ý kiến của anh/chị về nguyên tắc: “Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình”.
a) Mục đích, nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc
– Mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hoà bình và an ninh thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành sự hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.
– Nguyên tắc hoạt động
+ Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc;
+ Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước;
+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào;
+ Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình;
+ Chung sống hoà bình và sự nhất trí giữa 5 nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc).
b) Phát biểu ý kiến của anh/chị về nguyên tắc: “Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình”
Thí sinh có thể phát biểu ý kiến theo những cách khác nhau, nhưng phải hợp lý, khoa học.
Gợi ý:
– Cơ sở Liên hợp quốc xác định nguyên tắc:
+ Hòa bình là mong muốn, nguyện vọng, xu thế của các dân tộc trên thế giới, còn chiến tranh để lại hậu quả hết sức nặng nề. Đồng thời hòa bình là cơ sở, điều kiện để các quốc gia ổn định và phát triển mọi lĩnh vực.
+ Mục đích của tổ chức Liên hợp quốc là: duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
– Nội dung nguyên tắc:
+ Nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế được ghi trong điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc.
+ Biện pháp hòa bình bao gồm: đàm phán, điều tra, trung gian hòa giải, làm trọng tài để giải quyết các tranh chấp, sử dụng tòa án, sử dụng những tổ chức hay những hiệp định khu vực hoặc những biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mỗi nước.
+ Hội đồng Bảo an có trách nhiệm và đầy đủ thẩm quyền để xúc tiến, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Hội đồng Bảo an đứng ra dàn xếp, giúp đỡ các nước đương sự giải quyết tranh chấp bằng mọi biện pháp hòa bình hoặc có thể mở những cuộc điều tra, hoặc đưa ra những kiến nghị giải quyết. Nếu cuộc tranh chấp đó dẫn tới chiến tranh xâm lược, Hội đồng Bảo an có quyền sử dụng vũ lực để lập lại hòa bình, an ninh.
– Việt Nam đã vận dụng nguyên tắc này trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông hiện nay.