Đáp án đề thi chọn đội tuyển dự thi HSG năm 2020 môn Lịch sử tỉnh Đăk Nông
Trong bài viết này xin giới thiệu đáp án đề thi chọn đội tuyển dự thi HSG năm 2020 môn Lịch sử tỉnh Đăk Nông. Đề thi chọn đội tuyển dự thi HSG năm 2020 môn Lịch sử tỉnh Đăk Nông giúp các em ôn luyện và thi HSG môn Lịch sử đạt kết quả cao,đồng thời đề thi cũng là tài liệu tốt giúp các thầy cô tham khảo trong quá trình dạy HSG. Hãy tải ngay đề và đáp án đề thi HSG môn Lịch sử. Đề thi HSG nơi luôn cập nhật các kiến thức mới nhất. Chúc các bạn thành công!
Câu 1. (2,5 điểm)
Phân tích những điều kiện khách quan và chủ quan dẫn đến quyết định của Nguyễn Tất Thành sang phương Tây tìm đường cứu nước?
Ngày 5/6/1911, trên chiếc tàu buôn Pháp mang tên Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước. Đây là một sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Nguyễn Tất Thành sau này mà còn đối với cả dân tộc ta. Nếu các nhà yêu nước tiền bối hướng sang phương Đông để cứu nước thì Nguyễn Tất Thành lại chọn hướng sang phương Tây tìm đường cứu nước.
Những điều kiện khách quan và chủ quan dẫn tới quyết định độc đáo đó:
Điều kiện khách quan:
– Đất nước bị xâm lược, giải phóng dân tộc là yêu cầu cấp thiết
+ Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam không chỉ bị bóc lột về kinh tế, mà còn phải chịu nỗi nhục mất nước. Độc lập tự do là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.
+ Mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phản động tay sai. Nhiệm vụ cứu nước được đặt ra vô cùng cấp thiết.
– Sự khủng hoảng vềđường lốiđặt ra yêu cầu phải tìm con đường cứu nước mới
+ Cuối thế kỉ XIX, nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp bị đàn áp đẫm máu…, con đường giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ phong kiến đã bị thất bại.
+ Đầu thế kỉ XX, các sĩ phu yêu nước tiếp thu trào lưu tư tưởng mới, tiến hành cuộc vận động cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản…, nhưng cũng không thành công. Sự nghiệp giải phóng dân tộc lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối.
Điều kiện chủ quan: Nguyễn Tất Thành sớm có chí “đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”
+ Tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương, Nguyễn Tất Thành sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành con đường của họ, nên quyết định tìm con đường cứu nước mới.
+ Được tiếp xúc với văn minh Pháp, Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây để tìm hiểu xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào, giải phóng dân tộc.
Câu 2: So sánh công nhân VN và công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa:
+Giai cấp công nhân VN tuy ra đời muộn và chiếm 1 tỷ lệ ít trong thành phần dân cư, nhưng do kế thừa được truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cười của dân tộc mà giai cấp công nhân nước ta luôn tỏ rõ là một giai cấp kiên cường, bất khuất.
+ Giai cấp công nhân VN ra đời trong nỗi nhục mất nước cộng với nỗi khổ vì ách áp bức bóc lột của giai cấp T sản đế quốc làm cho lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc kết hợp làm 1, khiến động cơ cách mạng, nghị lực cách mạng và tính triệt để của CM của giai cấp công nhân được nhân lên gấp bội.
+ Giai cấp công nhân VN ra đời trước giai cấp tư sản VN, lại có Đảng lãnh đạo nên luôn giữ được sự đoàn kết thống nhất và giữ vững vai trò lãnh đạo của mình
+ Giai cấp công nhân VN đa số xuất thân từ nông dân, có mối liên hệ máu thịt với nông dân. Đó là điều kiện hết sức thuận lợi để thực hiện sự liên minh giai cấp, trước hết là đối với giai cấp nông dân. Ngày nay, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, sẽ có nhiều người nông dân làm việc ở các cơ sở công nghiệp và trở thành công nhân ở chính ngay quê hương mình…
Tuy nhiên số lượng công nhân nước ta còn ít, trình độ văn hóa, tay nghề, khoa học kỹ thuật còn thấp, cách thức làm việc có nơi, có chỗ còn tỏ ra tùy tiện, manh mún. Do vậy để đảm đương được sứ mệnh lịch sử của mình, một trong những điều kiện quan trọng là giai cấp công nhân VN phải liên minh được với giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức và các tầng lớp nhân dân khác.
b) Năm 1930, giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp nắm quyền lãnh đạo cách mạng, vì:
– Giai cấp công nhân Việt Nam có ảnh hưởng rộng lớn đối với các cuộc đấu tranh yêu nước của các giai tầng khác.
– Giai cấp công nhân Việt Nam có khả năng quy tụ lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc dưới ngọn cờ đấu tranh cách mạng của mình.
– Giai cấp công nhân Việt Nam tạo ra nhân tố chiến lược mối liên minh công nhân và nông dân.
– Giai cấp công nhân Việt Nam sớm tiếp thu được tinh hoa của dân tộc để bồi dưỡng bản chất và bản lĩnh cách mạng của mình, dễ dàng tiếp thu lý luận cách mạng tiên phong để có thể trưởng thành từ một “giai cấp tự mình” đến một “giai cấp cho mình”.
– Đến năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đúng đắn, sáng tạo đã đánh dấu giai cấp công nhân Việt Nam đã được giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của mình, có một tổ chức lãnh đạo thống nhất và một đường lối chính trị đúng đắn.
Câu 3. (3.0 điểm)
Phân tích những điều kiện dẫn đến bùng nổ phong trào cách mạng 1930-1931. Hãy làm rõ nhận định: Phong trào cách mạng 1930-1931 là một bước phát triển so với các phong trào yêu nước trước đó.
a) Điều kiện bùng nổ phong trào cách mạng 1930 – 1931
– Do tác động của phong trào cách mạng thế giới:
+ Những năm 1929 – 1933, thế giới tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên quy mô lớn, để lại hậu quả hết sức nặng nề, làm cho những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản phát triển gay gắt. Phong trào đấu tranh của công nhân và quần chúng lao động dâng cao.
+ Trong khi đó, Liên Xô đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và đã đạt được những thành tựu đáng kể, hoàn thành công nghiệp hoá và đang tiến hành tập thể hoá nông nghiệp. Quảng Châu công xã (Trung Quốc) cũng giành thắng lợi.
+ Sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới là điều kiện quan trọng, cổ vũ sự bùng nổ của phong trào cách mạng ở Đông Dương.
– Những mâu thuẫn trong xã hội thuộc địa ở Đông Dương phát triển gay gắt:
+ Đông Dương là một thuộc địa lớn của thực dân Pháp, nên cũng chịu tác động của cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933, làm cho đời sống của nhân dân rất khó khăn.
+ Thực dân Pháp lại tăng cường vơ vét, bóc lột để bù đắp những tổn thất do khủng hoảng gây ra ở chính quốc. Vì thế, Đông Dương phải gánh chịu cả những hậu quả của cuộc khủng hoảng ở nước Pháp.
+ Trong khi đó, thực dân Pháp đang tiến hành khủng bố phong trào yêu nước kể từ sau khởi nghĩa Yên Bái, làm cho tình hình chính trị hết sức căng thẳng.
– Tình hình kinh tế, chính trị trên làm cho mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với đế quốc xâm lược trở nên vô cùng gay gắt và tất yếu dẫn tới phong trào đấu tranh của quần chúng. Đây là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp dẫn tới phong trào cách mạng.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với tổ chức chặt chẽ và cương lĩnh cách mạng đúng đắn, nắm quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam, quy tụ lực lượng toàn dân tộc Việt Nam, kịp thời lãnh đạo nhân dân ta bước vào một thời kì cách mạng mới. Đây là nguyên nhân chủ yếu và có ý nghĩa quyết định, bởi vì nếu không có sự lãnh đạo của Đảng thì tự bản thân những mâu thuẫn giai cấp xã hội chỉ có thể dẫn tới những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát mà không thể trở thành một phong trào tự giác trên quy mô rộng lớn được.
b) Nhận định: Phong trào cách mạng 1930 – 1931 là một bước phát triển nhảy vọt về chất so với những phong trào yêu nước trước đó là hoàn toàn chính xác. Vì:
– Đây là phong trào cách mạng đầu tiên do Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo.
– Phong trào cách mạng 1930 – 1931 mang tính chất cách mạng triệt để: nhằm vào hai kẻ thù là đế quốc và tay sai, không ảo tưởng kẻ thù của dân tộc, kiên quyết lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, thực hiện triệt để khẩu hiệu chống đế quốc và phong kiến.
– Diễn ra trên quy mô rộng lớn, từ Bắc đến Nam, ở cả nông thôn và thành thị, từ các nhà máy, xí nghiệp đến các hầm mỏ và đồn điền. Mặc dù diễn ra trên địa bàn rộng nhưng phong trào vẫn mang tính thống nhất cao, đều do Đảng lãnh đạo, đều nhằm mục tiêu chống đế quốc và phong kiến.
– Phong trào đã lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia với những hình thức đấu tranh quyết liệt và phong phú.
– Có sự phối hợp bước đầu nhịp nhàng giữa phong trào công nhân và phong trào nông dân, giữa cuộc đấu tranh ở nông thôn với cuộc đấu tranh ở thành thị, là sự hình thành trên thực tế liên minh cách mạng giữa công nhân, nông dân và binh lính.
Những nội dung trên chứng tỏ phong trào cách mạng 1930 – 1931 là một bước phát triển nhảy vọt về chất so với những phong trào yêu nước trước đó.
Câu 4. (3,0 điểm)
Hãy nhận diện các thế lực đế quốc có mặt trên đất nước ta sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Đế quốc nào là kẻ thù chính? Vì sao?
– Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trên đất nước Việt Nam có nhiều thế lực ngoại xâm: ngoài quân Pháp và quân Nhật đã có mặt từ trước, quân Anh kéo vào miền Nam, quân Trung Hoa Dân quốc tràn vào miền Bắc, hậu thuẫn là đế quốc Mĩ.
– Quân đội Nhật là quân đội bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chờ quân Đồng minh giải giáp để hồi hương. Mặc dù quân Nhật còn có những hành động chống phá cách mạng Việt Nam, nhưng không còn là kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam như trong Cách mạng tháng Tám.
– Anh vào Đông Dương với danh nghĩa Đồng minh làm nhiệm vụ giải giáp phát xít Nhật ở phía Nam Vĩ tuyến 16. Do phải lo đối phó với phong trào giải phóng dân tộc đang lên cao trong các thuộc địa của Anh, nên họ không có khả năng ở lại Đông Dương lâu dài. Họ giúp Pháp trở lại Đông Dương.
– Quân đội Trung Hoa Dân quốc vào Việt Nam với danh nghĩa Đồng minh làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật ở phía Bắc Vĩ tuyến 16. Nhưng họ phải lo đối phó với lực lượng cách mạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đang ngày càng phát triển mạnh, nên sớm muộn cũng phải rút quân về nước.
– Mĩ có chiến lược toàn cầu, nhưng đang phải lo ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở Tây Âu, đồng thời giúp Trung Hoa Dân quốc ở Trung Quốc, nên chưa có khả năng can thiệp trực tiếp vào Việt Nam.
– Pháp âm mưu xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Ngay sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, Chính phủ Đờgôn quyết định thành lập một đạo quân viễn chinh trở lại xâm lược Đông Dương, cử Cao uỷ Pháp ở Đông Dương. Ngày 2-9-1945, quân Pháp xả súng bắn vào dân chúng ở Sài Gòn – Chợ Lớn đang dự mit tinh chào mừng “Ngày Độc lập”. Ngày 23-9-1945, chúng nổ súng tiến công ở Sài Gòn, rồi ngày càng mở rộng địa bàn chiếm đóng ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Thực dân Pháp bộc lộ rõ dã tâm xâm lược Việt Nam. Vì thế, kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp xâm lăng, cần phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.
Câu 5. (3,0 điểm)
Các chiến lược chiến tranh của Mĩ ở miền Nam Việt Nam có những điểm gì giống nhau? Vì sao nói thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc?
a) Từ năm 1961 đến năm 1975, đế quốc Mĩ đã tiến hành các chiến lược chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam là: chiến lược “chiến tranh đặc biêt” (1961-1965), chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1975). Điểm giống nhau của các chiến lược chiến tranh trên là:
– Đều nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân Việt Nam, chia cắt lâu dài nước Việt nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ…;
– Đều là những hình thức chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mĩ;
– Sử dụng bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn làm công cụ do Mĩ viện trợ, trang bị, tổ chức và chỉ huy;
– Đều chú trọng thực hiện chính sách bình định, nhằm chiếm đất, giành dân.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta là “một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” vì:
Cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta là một cuộc chiến tranh yêu nước, bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến diễn ra 21 năm (1954 – 1975), kết thúc bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến chống Mĩ đó đã trở thành “một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”, biểu hiện:
– Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế đầy biến động: Đó là thời kì mâu thuẫn Đông – Tây và Chiến tranh lạnh đang diễn ra, có sự đối đầu hai hệ thống xã hội đối lập (TBCN và XHCN); Phong trào giải phóng dân tộc bùng nổ khắp các châu lục Á, Phi, Mĩ Latinh; Cuộc đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội phát triển. Việt Nam sau năm 1954 trở thành tâm điểm những vấn đề lớn của thời đại: Miền Bắc sau 1954 hoàn toàn giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, trở thành tiền đồn phe XHCN; miền Nam sau 1954 trở thành thuộc địa kiểu mới của Đế quốc Mĩ, phải tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, hoàn thành phong trào giải phóng dân tộc, trở thành chiến sĩ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới; Nhân dân hai miền Nam Bắc lại phải chiến đấu vì một nền hòa bình, vì tiến bộ xã hội chống lại những tàn ác của chiến tranh, Việt Nam trở thành lương tri của thời đại. Nếu giải quyết được vấn đề Việt Nam sẽ giải quyết được 3 vấn đề mang tính thời đại mà cả thế giới quan tâm.
– Cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 – 1975) là một cuộc đụng đầu lịch sử giữa một bên là đế quốc Mĩ xâm lược và một bên là nhân dân Việt Nam chống xâm lược. Mĩ là đế quốc có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh trên thế giới, có chiến lược toàn cầu nhằm thống trị thế giới. Mĩ đã ngoan cố theo đuổi chiến tranh Việt Nam suốt 21 năm, trải qua 5 đời Tổng thống và áp dụng hầu hết các chiến lược chiến tranh xâm lược kiểu mới. Trong khi Mĩ quyết tâm xâm lược Việt Nam thì nhân dân Việt Nam cũng quyết tâm chống Mĩ xâm lược. Bởi thế, Việt Nam trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử mang tính tất yếu, mang tính thời đại và có tầm vóc quốc tế.
– Thắng lợi của nhân dân ta và thất bại của đế quốc Mĩ có tác động to lớn đến nội bộ nước Mĩ và cục diện thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng trên thế giới, nhất là đối với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mĩ Latinh.
Với những ý nghĩa trên, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IV) đã khẳng định: Thắng lợi đó “đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Câu 6. (3,0 điểm)
Trình bày những thắng lợi của quân Đồng Minh ở châu Á trong năm 1945 và nêu những tác động của thắng lợi đó đến cách mạng Việt Nam.
– Cuối năm 1944 đầu năm 1945, quân Đồng minh phản công thắng lợi: Anh vào Miến Điện, Mĩ chiếm Phi-lip-pin và ném bom Nhật, cắt đứt đường biển của Nhật…
– Tình thế đó buộc Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) độc chiếm Đông Dương, thi hành chính sách cai trị mới; mâu thuẫn giữa dân tộc ta với Nhật trở nên gay gắt. Đảng Cộng sản Đông Dương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.
– Sau khi tiêu diệt phát xít Đức, Liên Xô tuyên chiến và tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật. Mĩ ném bom nguyên tử xuống đất Nhật. Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện (15-8-1945).
– Chính quyền và quân đội Nhật ở Đông Dương bị tê liệt, chính phủ tay sai do Trần Trọng Kim cầm đầu hoang mang cực độ. Quân Đồng minh chuẩn bị vào Đông Dương giải giáp Nhật. Ta chớp thời cơ quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Câu 7. (3,0 điểm)
Trên cơ sở nào tổ chức Liên hợp quốc đề ra nguyên tắc: “Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình”? Việt Nam đã vận dụng nguyên tắc này trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông hiện nay như thế nào?
a) Tổ chức Liên hợp quốc đề ra nguyên tắc: “Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình” trên những cơ sở sau:
– Hòa bình là mong muốn, nguyện vọng, xu thế của các dân tộc trên thế giới, còn chiến tranh để lại hậu quả hết sức nặng nề. Đồng thời hòa bình là cơ sở, điều kiện để các quốc gia ổn định và phát triển mọi lĩnh vực.
– Mục đích của tổ chức Liên hợp quốc là: duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
b. Việt Nam đã vận dụng nguyên tắc trên…
– Việt Nam đã từng trải qua những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Thấm thía những nổi khổ, những tổn thất từ chiến tranh nên Việt Nam rất coi trọng hòa bình, tận dụng mọi khả năng hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế và khu vực.
– Việt Nam đã vận dụng một cách tích cực Hiến chương Liên hợp quốc để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhằm duy trì sự ổn định, an toàn trong khu vực và trên thế giới.
– Các tranh chấp trên thế giới và ở khu vực là không thể tránh khỏi. Việt Nam đang có tranh chấp ở biển Đông với một số nước trong khu vực, trước hết là với Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trước hành động đơn phương tranh chấp. Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc, luôn luôn theo đuổi các biện pháp:
+ Đấu tranh bằng biện pháp ngoại giao để thế giới biết được hành động sai trái của bên đơn phương, đồng thời bày tỏ thiện chí thông qua đàm phán và thương lượng.
+ Lên án, phản đối việc dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp bởi nhân dân Việt Nam và thế giới không bao giờ chấp nhận một nước nào đó dùng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực nhằm phá hoại hoà bình khu vực và thế giới.
+ Tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Việt Nam chỉ đấu tranh giành lại những phần lãnh thổ, lãnh hải thuộc về Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế. Vì thế, cuộc đấu tranh của Việt Nam là cuộc đấu tranh chính nghĩa và được thế giới ủng hộ. Đó là một thuận lợi lớn.
+ Đấu tranh bằng pháp lí. Việt Nam đã hết sức cố gắng và thiện chí giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình nhưng nếu bên đơn phương vẫn ngoan cố thì Việt Nam có thể xem xét và khởi kiện ra toà án quốc tế, trọng tài quốc tế nhằm bảo vệ hợp pháp chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.Việt Nam căn cứ vào cơ sở pháp lí quốc tế như: nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước về luật biển (1982), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002… để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông