Bí quyết làm bài đạt điểm cao trong thi học sinh giỏi môn Văn.

4/5 - (23 votes)

Chỉ với 120 phút, làm thế nào để làm đề học sinh giỏi môn văn đạt điểm cao. Thầy Trần Lê Duy tốt nghiệp thủ khoa khóa 37 ngành Sư phạm Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chia sẻ với các em một số bí quyết nha. Chúc các em học hỏi được nhiều điều từ Thầy và đừng quyên chia sẻ bài viết cho các bạn khác nha.

120 phút, làm thế nào để vừa viết kịp giờ, vừa viết hay, vừa viết sâu?
Vấn đề thời gian – đó luôn là thử thách rất lớn đối với học sinh trong các kì thi học sinh giỏi Ngữ văn.
Ở bài thi Học sinh giỏi quốc gia và bài thi Olympic 30/4 (dành cho học sinh Chuyên), thời gian làm bài là 180 phút cho hai câu NLVH và NLXH, thời gian này là khá xông xênh để vừa triển khai vấn đề ở bề rộng và bề sâu.
Ở bài thi HSG Thành phố và OLP tháng 4 các năm trước, thời gian làm bài là 150 phút cho hai câu NLVH và NLXH, thời gian ngắn hơn, đòi hỏi người viết phải biết trình bày vấn đề cô đọng.
Năm nay, ở hai kì thi trên, thời gian rút gọn lại chỉ còn 120 phút! Đó quả là thử thách thực sự! Vậy làm thế nào để vượt qua cửa ải thời gian hết sức cam go này để có được kết quả bài thi tốt nhất?
1.    Tăng tốc tư duy và rút gọn bài viết
Trong thời gian 120 phút, để bài viết được hoàn chỉnh, ta nên kết hợp hai phương án là tăng tốc tư duy và rút gọn bài viết.
Khi viết bài văn nghị luận, khả năng tư duy của người viết thể hiện trước hết ở khâu nhận biết vấn đề, sau đó mới là khâu giải quyết vấn đề và triển khai bài viết. Làm thế nào, để khi nhận được đề bài, ta có thể nhanh chóng nhận ra yêu cầu đề và tìm ra phương án giải quyết các yêu cầu ấy? Cách duy nhất, đó là ta phải thường xuyên luyện tập nhận biết vấn đề và lập dàn ý.

Có một cách luyện tập rất đơn giản mà vô cùng hiệu quả, bạn có thể thực hiện ngay lập tức.
Trước tiên, bạn cần một tuyển tập bài viết học sinh giỏi đoạt giải, hoặc một tuyển tập đề thi có kèm gợi ý bài giải.
Kế đến, bạn hãy quên phần bài giải đi, và tự đọc đề, tự xác định vấn đề nghị luận và lập dàn ý.
Sau đó, bạn làm thao tác đối chiếu. Xem kĩ phần tương đồng và khác biệt của mình với bài giải trong sách. Đây là chỗ quan trọng: Không phải lúc nào sách cũng đúng và bạn cũng sai, đây là lúc bạn đứng ở hai góc nhìn – của chính mình và của người viết sách, để soi chiếu lại vấn đề. Tại sao người viết lại chọn cách triển khai như vậy? Tại sao cách triển khai đó lại khác cách của mình? So với yêu cầu đề bài này, cách giải quyết nào khả thi hơn? Có chỗ nào về kiến thức không thống nhất, còn tranh cãi, cần phải tra cứu hay không?
Khi đã xem xét các góc nhìn, đã tra cứu và lí giải được độ chênh giữa bài giải của bạn và của sách, bạn sử dụng bút đỏ chỉnh sửa lại dàn ý mình đã lập, chính là bản dàn ý hoàn chỉnh nhất mà bạn có.
Đây là một cách luyện tập đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian, trong giai đoạn thi nước rút, bạn có thể dành thời gian từ một đến hai tiếng một ngày để thực hiện. Ở mức độ thi Học sinh giỏi thành phố, các vấn đề tuy khó nhưng không lạ, kiên trì thực hiện bài tập này, bạn sẽ dần bao quát các hệ vấn đề thường hay xuất hiện và gia tăng kinh nghiệm giải quyết vấn đề trong bài thi. Khi đó, tốc độ giải quyết đề của bạn sẽ tăng lên theo thời gian.
Về việc tăng tốc độ viết, bạn phải nhớ rằng: Tăng tốc độ viết thực chất là tăng sự chú ý và sức tập trung khi viết, chứ không phải nhắm mắt viết nhanh mà viết bừa. Quan sát thực tế khi giảng dạy và khi chấm bài thi, các bạn học sinh giỏi thường có hai hướng viết: Một hướng tỉnh táo, tập trung giải quyết vấn đề, hướng còn lại đầy cảm xúc, hướng đến sự thăng hoa với cách viết bay bổng. Cách viết đầu tiên an toàn, nhưng thường bị chê là khô khan. Cách viết thứ hai nguy hiểm, dễ sa đà, nhưng cũng thường mang đến những bài thi thủ khoa đầy ấn tượng.
Nếu ta đặt hai cách viết này vào hai đầu một thang đo, ta sẽ thấy rằng, thời gian càng ngắn, áp lực về tốc độ viết càng lớn, xu hướng người viết càng phải xê dịch dần về cách viết rõ ràng, rành mạch, tỉnh táo.
Bạn cứ hình dung, mình đang tham gia một cuộc chạy đua trên đường chạy ngắn, phương án nào sẽ giúp bạn đến đích nhanh nhất: Nhắm mắt chạy bừa, vừa chạy vừa nhởn nhơ ngắm cảnh trí hoa lá bên đường, hay là tập trung hết ý chí và sức lực vào đích đến?
Trong 120 phút, viết văn cũng giống như chạy đua vậy, nhưng đối thủ của bạn là chính bản thân mình.
Tốc độ viết của bạn sẽ gia tăng, khi bạn nhìn nhận vấn đề sáng, rõ và tập trung vào đích đến, tức là những phương án giải quyết yêu cầu của đề bài. Bạn luôn phải nắm rất rõ trong đầu: Mình đang viết cái gì? Mình viết những điều này để làm gì? Và quan trọng nhất là, mình sẽ kết thúc phần triển khai ý tưởng này như thế nào? Nhìn rõ vạch đích chính là cách rút ngắn thời gian khi viết.
Còn về việc rút ngắn dung lượng bài viết?
Về căn bản, một bài văn là một chỉnh thể thống nhất giữa các phần, cho nên việc cắt cúp nội dung không thể tùy tiện cơ học. Như một con mèo, nếu ta nhắm mắt chặt chân, cắt đuôi hay cắt tai của nó, liệu con mèo đó có thể sống được? Vấn đề của việc rút ngắn dung lượng bài viết, đó là việc ta sắp xếp các phần, các yếu tố nội dung sao cho hợp lý: Đảm bảo đủ phần cốt lõi, phần trọng tâm, và giảm bớt những phần dẫn dắt, liên hệ mở rộng vấn đề.
Ví dụ:
Một đề bài bao giờ cũng có yêu cầu chính và yêu cầu mở rộng, vậy ta cần đảm bảo yêu cầu chính, và giảm phần mở rộng, liên hệ, so sánh trong giới hạn thời gian cho phép.
Khi vào vấn đề, ta có thể vào trực tiếp, hoặc dẫn dắt lòng vòng, vậy ta cần ưu tiên vào thẳng vấn đề, và giảm bớt những phần dẫn dắt mỹ miều bay bổng nhưng dài dòng không cần thiết.
Khi phân tích dẫn chứng, có dẫn chứng bắt buộc và dẫn chứng bổ sung, vậy ta cần đảm bảo dẫn chứng bắt buộc và giảm dẫn chứng bổ sung, trong giới hạn thời gian cho phép.
Cứ thế, bạn hãy thử hình dung tiếp xem có những phần nào có thể cắt giảm nhưng không làm ảnh hưởng đến trọng tâm bài viết?
2.    Lập dàn ý và canh giờ viết
“Thời gian làm bài quá ngắn, chỉ có 120 phút, lập dàn ý thật là lãng phí thời gian, vì nó chỉ ở trong nháp, người chấm có thấy được nó đâu!”
Nhiều bạn học sinh sẽ nghĩ như vậy. Và một cách cơ học, suy nghĩ này rất hợp lý. Tại sao ta lại không tận dụng thời gian cho bài viết của mình, tại sao phải lập dàn ý?
Nếu bạn thực sự nghĩ dàn ý không quan trọng, bạn lầm.Bạn lập dàn ý càng càng rõ bao nhiêu, tốc độ triển khai bài viết của bạn càng tốt bấy nhiêu. Ở đây tôi dùng “tốt” chứ không phải “nhanh” cho tốc độ viết, bởi việc viết luôn cần thời gian cần thiết để ý tứ được trọn vẹn, không thể nhanh bằng mọi giá. Việc lập dàn ý giúp bạn có được thời gian viết tốt nhất, bởi nó giữ bạn đi đúng trọng tâm, không mất thời gian cho những quãng đường chùng chình, vòng vèo, hoặc phí hoài thời gian trong lối tư duy bùng binh, mắc kẹt trong mê cung tâm trí của mình mà không tìm được lối ra.
Như vậy, bạn vẫn phải dành ra thời gian khoảng 5 phút để lập dàn ý. Nên lập dàn ý theo dạng sơ đồ. Từ luận đề rẽ ra các nhánh luận điểm, từ luận điểm rẽ ra luận cứ và dẫn chứng. Sau đó, bạn đánh giá xem, trong luận đề này, luận điểm nào là quan trọng, cần ưu tiên viết trướcLuận điểm nào ít quan trọng hơn, có thể bỏ? Cũng tương tự như vậy với hệ thống luận cứ và luận chứng. Khi đó, bạn sẽ chủ động hơn về thời gian. Hãy sắp xếp các ý từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất, căn cứ vào mức độ tương quan của vấn đề với luận đề (yêu cầu đề bài).
Đừng bao giờ quên bảo bối quan trọng không thể thiếu – một chiếc đồng hồ.
Tốt nhất, bạn nên phân ra: với mỗi bài văn, mình sẽ dành ra bao nhiêu phút để viết? Trong bài văn đó, mỗi luận điểm, mình sẽ dành cho nó bao nhiêu phút?
Khi viết, bạn để sơ đồ ý và đồng hồ trước mặt, vừa viết vừa cân nhắc gia giảm các ý cho phù hợp. Quá trình này đòi hỏi bạn tập trung chú ý cao độ, vừa phải tập trung vào ý mình đang viết, vừa phải tính toán tổng thể bài viết sao cho hợp lý. Để làm được như vậy, bạn phải thường xuyên luyện viết canh thời gian thực ở nhà.
120 phút, tôi đề xuất bạn nên dành ra 40 phút cho bài NLXH và 80 phút cho bài NLVH. Tất nhiên đây không phải là con số tuyệt đối chính xác, bạn có thể lệch chút ít, nhưng do thang điểm câu NLVH luôn nhiều điểm hơn, nên bạn phải dành thời gian nhiều hơn cho nó.
3.    Quản lý thật tốt từng đoạn văn trong bài viết
Có một nguyên tắc quan trọng được nhắc đi nhắc lại mà có lẽ bạn đã quá quen thuộc: Một bài văn bao giờ cũng là một chỉnh thể thống nhất.
Các câu phải thống nhất chủ để với đoạn văn. Các đoạn văn phải thống nhất chủ đề với bài văn.
Do đó, nếu bạn viết được những đoạn văn ngắn, gọn, súc tích nhưng giải quyết trọn vẹn vấn đề, tự khắc bạn sẽ có được một bài văn ngắn, gọn, súc tích.
Vậy thì, bạn phải làm chủ được từng đoạn văn trong bài văn của mình. Khi viết, bạn luôn phải trả lời được các câu hỏi sau:
Đoạn văn này sẽ giải quyết luận điểm nào?
Để giải quyết luận điểm này, ta sẽ nêu mấy lí lẽ và mấy dẫn chứng?Ta dựng tính viết đoạn văn này dung lượng như thế nào? (nửa trang giấy thi, 3/4 trang giấy thi, 1 trang giấy thi…)
Ta sẽ dành thời gian bao nhiêu phút để hoàn tất đoạn văn này?
Có rất nhiều phương thức triển khai đoạn văn: đoạn diễn dịch, đoạn quy nạp, đoạn tổng phân hợp, đoạn móc xích, đoạn song hành… Mỗi phương thức đều có cái hay riêng. Nhưng chúng tôi đề xuất bạn nên ưu tiên sử dụng đoạn diễn dịch và đoạn tổng – phân – hợp, bởi hai đoạn này đều bắt đầu từ luận điểm, sau đó mới đến các ý ở cấp độ nhỏ hơn. Đơn giản, trình tự triển khai ý này thuận với quá trình tư duy của bạn, từ vấn đề rộng đến vấn đề hẹp, từ khái quát đến cụ thể, và giúp bạn triển khai hệ thống ý tốt hơn. Đối với người đọc bài văn của bạn mà nói, cách triển khai này cũng giúp họ dễ dàng theo dõi bài viết của họ hơn.
Vậy thì bạn phải hết sức chú ý và để tâm đến từng đoạn văn trong bài viết của bạn. Những đoạn văn tốt sẽ làm nên một bài văn tốt. Hãy tập trung và thực sự chú ý.
4.    Có định hướng trong phần phân tích dẫn chứng
Bài toán cuối cùng – và cũng có lẽ là khó giải quyết nhất, chính là phần phân tích dẫn chứng.
Có một sai lầm trong quá trình ôn thi học sinh giỏi, đó là học vẹt tài liệu thầy cô phát mà không tư duy về tác phẩm. Việc đó dẫn đến hậu quả: các bạn học sinh vào phòng thi chép buông tuồng những gì mình thuộc về tác phẩm, mà không đoái hoài đến sự tương quan giữa những gì mình thuộc, mình chép ra, với yêu cầu đề bài. Điều đó dẫn tới thời gian tốn vô ích, bài viết dài nhưng điểm lại thấp.
Trước hết, các bạn cần hết sức phân biệt hai dạng phân tích: Phân tích để thấy được cái haycái đẹp của tác phẩm và phân tích để làm bật lên luận điểm. Có thể xem bảng so sánh như sau:


Phân tích để thấy được vẻ đẹp của tác phẩmPhân tích để làm bật lên luận điểm
GiốngĐối tượng ta thao tác: Tác phẩm văn học. Ta cần chia tách tác phẩm văn học ra thành nhiều khía cạnh để soi xét, đánh giá, sau đó đưa ra nhận xét chung về tác phẩm.
Trình tự phân tích: Đi từ nghệ thuật đến nội dung.
Bao giờ cũng gồm hai phần: Tái hiện tác phẩm (qua chi tiết, hệ thống dẫn chứng trực tiếp..) và bình luận, đánh giá, cảm nhận về tác phẩm.
KhácMục đích phân tíchPhân tích để cho thấy vẻ đẹp của tác phẩm.
Cho nên, người viết cần phải triển khai bài viết theo hệ bố cục tác phẩm (phân tích bổ dọc hoặc bổ ngang).
Luận điểm sẽ là ý chính của từng phần tác phẩm đã chia.
Phần chốt ý phải nói được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Phân tích để làm rõ vấn đề đề yêu cầu.
Cho nên, người viết cần triển khai bài viết theo hệ thống biểu hiện của luận đề.


Luận điểm sẽ là biểu hiện của luận đề.
Phần chốt ý phải khẳng định được luận đề biểu hiện cụ thể như thế nào trong dẫn chứng vừa phân tích.
Mức độ triển khaiChủ yếu là phân tích đậm. Đi sâu trình bày tất cả các ý có thể khai thác được.Phân tích đậm kết hợp với phân tích nhạt. Chỉ chú ý đến những yếu tố nội dung, nghệ thuật phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
Bài thi thường gặpBài kiểm tra trong lớp, bài thi học kì, phần cơ bản của bài thi THPT quốc gia…Bài thi học sinh giỏi.

Như vậy, bạn phải luôn nhận thức được rất rõ, ở bài thi học sinh giỏi, đề  bài luôn luôn yêu cầu phân tích có định hướng. Bạn phải luôn biết mình viết cái gì và viết để làm gì, tránh tình trạng “lạc trôi” giữa biển kiến thức mà không thể giải quyết được yêu cầu đề bài.
Vậy trong 120 phút, bạn có thể rút gọn phần phân tích dẫn chứng bằng cách:
Ưu tiên dẫn chứng bắt buộc, lược bỏ dẫn chứng mở rộng tùy điều kiện thời gian.
Ưu tiên những chi tiết (đối với tác phẩm truyện, kịch), những hình ảnh (đối với tác phẩm thơ) trực tiếp làm bật lên luận điểm.
Với mỗi chi tiết, hình ảnh ta chọn để phân tích, ưu tiên lời bình hơn dẫn chứng. Nhất là với tác phẩm truyện và kịch.
Một lỗi thường hay mắc ở các bài thi học sinh giỏi, đó là người viết quá sa đà vào liệt kê dẫn chứng trực tiếp, mà không bình luận, đánh giả, cảm nhận các dẫn chứng ấy để làm rõ vấn đề đề yêu cầu. Điều đó dẫn đến bài viết trở thành phiên bản kể lể “dở ẹc” của tác phẩm, gây cảm giác chán chường cho người đọc và hiệu quả tất nhiên là không cao.
Hãy hình dung mỗi dẫn chứng như một giọt sương rơi xuống mặt hồ phẳng lặng, từ giọt sương bé nhỏ ấy lại gợi ra vô vàn các vòng sóng lớn dần, lớn dần. Bài văn của bạn cũng vậy, từ những điểm nhỏ nhưng trúng vấn đề, bạn sẽ khái quát được những vấn đề lớn hơn và làm sáng tỏ được yêu cầu đề bài. Viết ít mà hiệu quả cao, nghệ thuật chính là ở chỗ đó.
Như vậy, trong quá trình ôn tập, bạn cần lưu ý:

Không nênNên
Học vẹt, nhớ một cách máy móc tài liệu, đề cươngHọc có định hướng. Với mỗi tác phẩm, cần nắm những thông tin cơ bản sau:+Trọng tâm của tác phẩm là gì? (Về nội dung, về nghệ thuật)+Đâu là những chi tiết đắt giá nhất của tác phẩm?+Với mỗi chi tiết, bình sao cho hay?
Học tủ: Thuộc rất kĩ một số tác phẩm, và hoàn toàn không nắm một số tác phẩm khácHọc cả bề rộng và bề sâu, nắm tác phẩm theo hệ vấn đề. Ta có thể nhóm các tác phẩm thuộc cùng đề tài, cùng chủ đề, cùng giai đoạn, cùng thể loại để xem xét mối tương quan giữa chúng. Với mỗi vấn đề về văn học sử hay lí luận văn học, ta cũng nên đặt các tác phẩm trong tương quan để nắm điểm trọng yếu.

Chỉ còn 7 ngày là đến kì thi học sinh giỏi thành phố, hy vọng những gợi ý này sẽ có ích cho các bạn trong quá trình ôn thi. Chúc các bạn ôn tập thật tốt, làm bài thi đạt kết quả cao.


Sài Gòn, ngày 26 tháng 2 năm 2019
THẦY TRẦN LÊ DUY

You may also like...